Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

VANG BÓNG MỘT THỜI MIỀN TÂY MÙA NƯỚC NỔI



Mùa Mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
                                Tô Thuỳ Yên

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
NGÔ THẾ VINH

MÙA NƯỚC NỔI NƠI ĐBSCL

     Như nhịp điệu ngàn năm của con sông Mekong, hệ sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long được cân bằng một cách tự nhiên với "mùa nước nổi" và "mùa nước giựt".  

     Ngày xưa, cũng chỉ cách đây hơn 300 năm thôi, các thế hệ tiền nhân thời kỳ Nam Tiến, khi mới đến khai phá vùng ĐBSCL cũng giống như những người Khmer tới trước, thường chọn sống lập nghiệp trên các khu đất cao hay còn gọi là “đất giồng” nên đến "mùa nước nổi", cho dù những cánh đồng thẳng cánh cò bay biến thành biển nước mênh mông, nhưng các khu đất giồng vẫn là vùng cư trú an toàn cho người dân và cả các loài rắn. Theo anh Dohamide Đỗ Hải Minh, một học giả gốc người Chăm, một cây bút quen thuộc của báo Bách Khoa trước 1975, sinh ra và lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc rất am tường về hệ sinh thái Đồng Bằng Sông Cửu Long, thì trong bao thập niên qua, người dân Miền Tây đã quen sống với ngập lụt hàng năm, hay còn gọi là mùa nước nổi, như một hiện tượng thiên nhiên đến đều đặn theo chu kỳ. Sau này do dân số gia tăng, không còn đủ các khu "đất giồng" nên những di dân mới tới phải chọn định cư ngay trên những vùng đất mà họ có thể canh tác. Và để thích nghi, nhà cửa dọc hai bên sông rạch được cất theo kiểu nhà sàn, với chiều cao các cây cột sàn được tính toán sao cho đến mùa nước nổi, con nước đổ về không ngập đến sàn nhà.